Studio TKL's profileKhuong Cao's profile

Tiếng Sài Gòn

Fresco
Sài Gòn là một thành phố ồn ào. Ai sống ở đây chắc chắn đều đã quá quen thuộc với những âm thanh vang lên 24/7 của nó, và thật lòng mà nói, những thanh âm đó không phải lúc nào cũng dễ chịu. Cứ thử tưởng tượng bạn đang chạy xe ngoài đường vào giờ cao điểm. Tiếng còi, tiếng rú ga của đủ các loại xe lớn nhỏ, tiếng những công trường đang thi công ầm ầm như động đất, tiếng hò dô lè nhè trên bàn nhậu, tiếng hát “sướng người hát khổ người nghe” ré lên từ những chiếc loa kẹo kéo đang bật full công suất, tiếng rao từ đủ loại dịch vụ trên trời dưới đất, bằng những chất giọng của đủ các vùng miền.

Không lạ khi tai nghe chống ồn đang bán đắt như tôm tươi. Và cũng không lạ khi người Sài Gòn không quen sống trong yên tĩnh.

Nhưng khi Sài Gòn bị lock down suốt mấy tháng - giai đoạn mà dịch bệnh Covid tàn phá cuộc sống của chúng ta nặng nề nhất - thì tất cả những âm thanh nói trên đều biến mất, nhường chỗ cho một sự thinh lặng đáng sợ, điểm xuyết bằng tiếng còi xe cứu thương vang vọng đầy ám ảnh. Thời gian đó, ngồi trong nhà nhìn ra ngoài, trong bầu không khí cô tịch ấy, chúng tôi như nghe được nỗi đau đớn của Sài Gòn. Và rồi chúng tôi hiểu ra rằng, khi Sài Gòn đang ồn cũng là lúc Sài Gòn đang sống.

Khi adidas Việt Nam tổ chức cuộc thi “Đồng Thanh” - một cuộc thi thiết kế lấy cảm hứng từ những âm thanh của Hà Nội và Sài Gòn, thì chúng tôi quyết định tham gia (dù đã rất lâu không thi thố gì với ai, ngoài những trận pitching khốc liệt với những đối thủ giấu mặt), vì thông điệp của cuộc thi thực sự khác biệt và có ý nghĩa. Chúng tôi chỉ đủ thời gian để gửi đi 2 trong số 3 thiết kế của mình để dự thi. Nhưng với TKL, đây không đơn thuần là những bài dự thi: dự án lần này, ngoài những câu chuyện mà chúng tôi muốn kể, những bức tranh mà chúng tôi muốn vẽ, còn có những thanh âm mà chúng tôi muốn bạn lắng nghe.

TKL xin trân trọng giới thiệu đến mọi người dự án cá nhân thứ 2 của chúng tôi: Tiếng Sài Gòn.
Tiếng Sài Gòn: Tân Cổ Giao Duyên
Sài Gòn là một thành phố luôn lao mình về phía trước, và người Sài Gòn cũng vậy. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là Sài Gòn không trân trọng những giá trị của lịch sử. Người Sài Gòn luôn có cách đưa những giá trị truyền thống vào đời sống hiện đại một cách tài tình và thú vị, hay như người ta vẫn nói là tân cổ giao duyên: cái mới và cái cũ cùng đồng hành và bổ sung cho nhau.
Nhắc đến tân cổ giao duyên, hẳn ai ở Sài Gòn cũng từng nghe và nhớ mấy câu thống thiết “Trời ơi bởi sa cơ nơi chiến trường thọ tiễn, nên Võ Đông Sơ đành chia tay vĩnh viễn Bạch Thu Hà...”. Bài tân cổ này khi ra đời từ bàn tay tài hoa của soạn giả Viễn Châu đã tạo nên một cú sốc lớn trong lòng giới mộ điệu Sài Gòn, vốn chỉ quen nghe ca cổ theo lối truyền thống. Bởi bài “Võ Đông Sơ” này vừa có ca cổ, vừa có tân nhạc, là vừa có cả nói thơ... quả thực là một “phát minh” gây chấn động của người soạn giả tài hoa.
Thời nay, giữa muôn vàn những thể loại nhạc ngoại, nhạc trẻ... những tưởng tân cổ sẽ bị Sài Gòn cho ra rìa. Nhưng không, từ những con hẻm nhỏ, từ những bàn nhậu vỉa hè, từ những gánh lô tô, và nhất là từ những sân khấu cải lương vẫn sáng đèn hàng đêm... người ta vẫn dễ dàng nghe được tiếng Võ Đông Sơ thổn thức, và trái tim của rất nhiều người dân Sài Gòn vẫn “tan nát” mỗi khi đến đoạn xuống xề mùi mẫn.
Và vẫn có rất nhiều những nghệ sĩ trẻ đang miệt mài lao động để giữ cho tân cổ, và nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác... được phổ biến đến công chúng. Họ chính là cảm hứng cho tác phẩm này: một anh “kép chính” đang lao mình qua những con phố ồn ào, náo nhiệt, đông đúc... như một vận động viên điền kinh thứ thiệt, trên đôi giày adidas Samba huyền thoại... để đến với sân khấu, với khán giả. Người đã góp giọng cho bản thu mà bạn có thể nghe trong clip là một nhân vật như thế: nghệ sĩ Minh Trường - quán quân Chuông vàng Vọng Cổ 2014.
Samba là một di sản vô giá của adidas, cũng như tân cổ là một di sản văn hoá vô giá của Sài Gòn. Sự giao duyên này tưởng không hợp, mà thực ra là hợp không tưởng.
Tiếng Sài Gòn: Nhịp đập của đêm
Có người giải thích tiếng gõ lắc cắc, lốc cốc của những xe hủ tiếu gõ nghe giống hai chữ "Xực Tắc", tức là Thực Đắc, tức là "Ăn Được". Ý nói hủ tiếu gõ hay mì gõ từ những xe bán hàng rong lề đường ngõ hẻm là món ăn được, chứ không lấy gì làm ngon.

Cách giải thích này nghe có lẽ hợp lý... Nhưng chắc chắn với rất nhiều người Sài Gòn, âm thanh lốc cốc lắc cắc đầy nhạc tính từ anh bạn (luôn là anh, chứ không phải chị) đi rao mì gõ lại gắn liền với nhiều cảm xúc và lay động nhiều giác quan, chứ không chỉ đơn thuần là một món ăn đường phố. Mùi mì nóng thơm ngào ngạt toả khắp con hẻm, tiếng hai thanh gỗ gõ vào nhau khi xa lúc gần, đây đó văng vẳng những "order" vô cùng chi tiết: một tô nhiều giá hẹ, một tô không lấy tóp mỡ, một tô hủ tiếu dai khô v.v... Vậy mà anh mì gõ vẫn nhớ hết, để rồi ít phút sau, bạn sẽ có một tô mì gõ bốc khói ngon lành để thưởng thức giữa đêm.

Mì gõ là một món ăn phải thuộc về đường phố, và người gõ mì cũng như một ngôi sao của đường phố: Tay anh có lúc gõ những nhịp điệu khoan nhặt vui tai như một tay trống lão luyện, hay có khi bưng bê một lúc năm sáu tô mì mà không đổ như một diễn viên xiếc tài ba. Chân anh lướt đi trong những "mê cung"hẻm hóc của Sài Gòn mà không lạc, giải thoát bao người khỏi cơn đói bất chợt... Vậy nên đôi "chiến hài" của anh cũng có những khí chất đó, với một cái tên thật kêu: Superstar.

Mỗi lần cuối tháng, những dịp kẹt tiền... mì gõ luôn lấp đầy bao tử lẫn tâm hồn thực khách, bao dung và "ngon lành", như chính hồn phách của mảnh đất này. Mì gõ như một loại "năng lượng" của những người đang mải miết kiếm sống bất kể ngày đêm, và âm thanh lốc cốc vọng ra từ những con hẻm vắng ấy, cũng như nhịp đập của Sài Gòn - một Sài Gòn khác, bươn chải, cần mẫn, và đầy năng lượng.
Tiếng Sài Gòn: Rầm rập chân đi

Chúng tôi rất ấn tượng với câu đầu tiên trong bài hát “Sài Gòn quật khởi”: Rầm rập bước chân ta đi rung chuyển đường phố Sài Gòn. May mắn thay, Sài Gòn ngày nay không cần “quật khởi” nữa, nhưng vẫn còn đó rất nhiều bước chân đang “âm thầm” làm rung chuyển thành phố.
Đó là tiếng chân của những “đồng run” ban ngày chạy deadline, ban đêm chạy half- marathon gọn bâng. Bạn rất dễ gặp những quái kiệt này chạy rầm rập từng đoàn từng nhóm ở thánh địa Sala.
Đó là tiếng chân của những gánh dừa chạy quanh Dinh Thống Nhất, vừa chào hàng bằng tiếng Anh, vừa thi thoảng kiêm luôn nhiệm vụ chụp hình lưu niệm cho khách du lịch, như những hướng dẫn viên bất đắc dĩ nhưng lại rất nhiệt tình.
Đó là tiếng chân của những bạn nhỏ vừa tan lớp học chính đã chạy vội sang trung tâm học thêm, có khi trên tay còn cầm ổ bánh mì cắn dở.
Giữa họ tưởng chừng chẳng có mấy điểm chung, nhưng với chúng tôi, họ là những ví dụ điển hình của những người Sài Gòn không bao giờ chịu ngừng lại, không bao giờ hài lòng với thực tế, và không bao giờ bỏ cuộc.
Khác với 2 tranh trước, ở tranh này chúng tôi không vẽ một mẫu giày di sản của adidas nữa, mà là một dòng sản phẩm mới vừa ra lò: SWITCH FWD - Một đôi giày chạy khiến chúng tôi chú ý và thích thú vì thiết kế thật cá tính, và bộ đế “nhìn thôi là đã thấy êm” rồi.
Không ai biết liệu mẫu giày này có trở thành huyền thoại như những Samba hay Superstar không, nhưng hơn ai hết, chắc chắn adidas cũng hiểu nếu muốn an toàn thì chỉ có duy nhất một cách dậm chân tại chỗ.
Tương lai đang chờ chúng ta phía trước, hãy chạy về phía nó bằng tất cả sự can đảm của mình, Sài Gòn nhé.
Thanks for watching!
Tiếng Sài Gòn
Published:

Tiếng Sài Gòn

Published: